4 lưu ý khi lựa chọn trang phục đi xin việc
Dù chọn trang phục gì, những phụ kiện đi kèm cũng đóng vai trò quan trọng và bạn không nên bỏ qua hay lựa chọn một cách hời hợt. Khi xuất hiện trước mặt nhà tuyển dụng,
Bạn đã sẵn sàng cho buổi phỏng vấn, từ việc tìm hiểu về công ty, chuẩn bị cho một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp, thậm chí chỉ còn vài phút nữa là vào phòng phỏng vấn, bạn thấy yên tâm với sự sẵn sàng của mình.
Nhưng khi bắt gặp hình ảnh của mình qua cửa kính hay tấm gương trong nhà vệ sinh, bạn chợt giật mình “không biết ăn mặc thế này có phù hợp không”.
Theo Amy Glass, một chuyên gia tư vấn và đào tạo về nhân sự ở công ty truyền thông Brody Commication Ltd., trong mọi tình huống phỏng vấn, ứng viên nên thể hiện bản thân một cách hoàn hảo nhất. “Lúc đó, bạn cũng phải tiếp thị cho bản thân để nhà tuyển dụng nhìn thấy hình ảnh tốt nhất của bạn, từ kỹ năng trình bày, khả năng thuyết phục, cách sắp xếp thông tin liên lạc đến vẻ bề ngoài… đều toát lên tính chuyên nghiệp”.
Đa số các nhà tuyển dụng đều bị ấn tượng bởi cách lựa chọn trang phục phỏng vấn của ứng viên bởi nó thể hiện phần nào sự nhanh nhạy và “hợp thời”. Bởi vậy, trước khi đi phỏng vấn, ngoài việc chuẩn bị về mặt thông tin, bạn cũng cần chú ý đến trang phục.
Sau đây là một vài lời khuyên trong việc lựa chọn này:
– Hỏi về văn hóa công ty
Glass cho rằng, bạn nên trao đổi với công ty ứng tuyển, hoặc bằng cách nào đó tìm hiểu về văn hóa công ty, cách ăn mặc của nhân viên ở đó. “Nếu không có người quen, bạn cứ gọi đến công ty hỏi lễ tân hoặc hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng. Điều đó không có gì là xấu cả, ngược lại, nó thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với công ty và sự nghiêm túc khi ứng tuyển”.
Hiện nay, rất nhiều ngành quy định đồng phục, có nơi còn khá khắt khe khi yêu cầu nhân viên mặc quần âu, áo sơ mi, không được mặc quần bò và nam giới bắt buộc phải đeo cà vạt. Những ngành về thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin có thể thoải mái hơn một chút. Vì thế, bạn cũng nên để ý về “gu” thời trang ở công ty thế nào.
Nếu cảm thấy ngại, bạn có thể trao đổi luôn “tôi cần biết điều này vì đã có lần ăn mặc quá chải chuốt, cầu kỳ đến một nơi không cần thiết. Người ta nhìn tôi như một người xa lạ và tôi không thích phải lặp lại sai lầm đó”.
– Mua sắm thông minh
Bạn không cần phải mua mới mọi thứ mỗi khi có cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Nếu cuộc phỏng vấn nào cũng phải sắm từ A – Z thì chắc chắn, bạn sẽ phát sốt vì tốn kém, nhất lại là đang trong quá trình tìm việc.
Glass gợi ý ứng viên nên biết cách kết hợp từ những trang phục sẵn có sao cho phù hợp với từng công ty.
– Sẵn sàng đầu tư
Không cần thiết phải mua sắm quá nhiều, nhưng khi cần, bạn vẫn nên đầu tư những món đồ đắt tiền mà giá trị. Có thể, khi vào các shop “xịn”, giữa món hàng gần 1 triệu đồng và món đồ 2, 3 triệu đồng, bạn rất muốn tiết kiệm mua món rẻ tiền hơn.
Nhưng theo gợi ý của Glass, bạn nên cân nhắc đến nhu cầu sử dụng món hàng đó. Nếu mua một món đồ rẻ hơn nhưng cả năm chỉ dùng có một lần, thì bạn nên chọn mua món đồ đắt hơn nhưng sử dụng thường xuyên hơn. Bởi nếu mua món đồ rẻ nhưng ít sử dụng, lại nhanh chóng lỗi thời thì thật là một sự đầu tư lãng phí.
– Đừng bỏ bê phụ kiện
Dù chọn trang phục gì, những phụ kiện đi kèm cũng đóng vai trò quan trọng và bạn không nên bỏ qua hay lựa chọn một cách hời hợt. Khi xuất hiện trước mặt nhà tuyển dụng, hình ảnh bề ngoài với cách lựa chọn, kết hợp trang phục sẽ rất có tác dụng. Nếu bạn bỏ qua phụ kiện, bộ quần áo, giày dép bạn lựa chọn sẽ giống như một món ăn ngon nhưng hơi “thiếu gia vị”.
Leave a Reply