6 điều không quá quan trọng khi bạn khởi nghiệp

Và đừng bao giờ nghĩ là mình cần biết tất cả. “Rất nhiều doanh nhân, nhất là những người lần đầu đánh hơi thấy mùi tiền, nghĩ thế. Họ lúc nào cũng: ‘Ta là người giỏi nhất

Để mở một doanh nghiệp thành công cần phải có điều kiện gì? Những gì bạn tưởng là vô cùng quan trọng chưa chắc đã đúng. Bạn không cần đến cả đống tiền và những ý tưởng hoàn toàn mới. Thậm chí những lời khuyên của chuyên gia, sách báo, tạp chí và các trang mạng như thế này cũng có thể sai hoàn toàn.

Ít nhất đó là quan điểm của Brian D. Evans, CEO của công ty Evani Ads (chuyên tiếp thị, quảng cáo các ứng dụng) đồng thời là tác giả của một blog doanh nhân rất hay -Lions Brain. Và có lẽ Brian D Evans biết rõ điều này. Anh mở công ty đầu tiên khi mới 16 tuổi và nhanh chóng bán nó với mức giá ‘khiêm tốn’ 5 con số (đô la). Kể từ đó đến nay, anh đã cho ra đời hàng loạt công ty và cái nào cũng thành công.

Evans khẳng định: “Tôi luôn là kẻ nổi loạn trong kinh doanh”. Anh tuyên bố mình được như ngày hôm nay là nhờ đi ngược lại những quy tắc tưởng như bất di bất dịch. “Tôi để ý rằng rất nhiều các lý thuyết về tiếp thị tồn tại chỉ vì chúng mặc nhiên được công nhận, mọi người cứ thế làm theo mà không thắc mắc gì. Nhưng thực ra, có những chuẩn mực cần phải xem xét lại.

Sau đây là 6 điều kiện mặc định để trở thành một doanh nhân nhưng theo Evans thì bạn vẫn có thể làm tốt mà không cần đến chúng:

1. Một ý tưởng tươi mới

Sản phẩm đầu tay của Evans là bộ ống xả khạc ra lửa cho xe hơi (anh đã từng thấy món đồ tương tự ở một triển lãm ô tô và tự mình mầy mò ra cách làm). Sau đó, anh tiếp tục thành công với một công ty kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ trực tuyến chỉ đơn thuần bằng phương thức drop shipping (tức là chỉ phải tiếp nhận đơn đặt hàng và chuyển cho người bán buôn hay nhà máy trực tiếp giao hàng).

Evans kết luận: “Rất nhiều người tìm cách tạo ra một cái gì đó mới khi lần đầu. Và vì người tiêu dùng hoàn toàn lạ lẫm về sản phẩm đó nên họ lại phải bỏ thêm cả đống tiền ra để tiếp thị, quảng cáo. Tôi thì thích chọn những thứ đã có sẵn thị trường. Chỉ cần mình làm tốt hơn, bán nhiều hàng hơn những gã xung quanh là đã thắng rồi. Quan điểm của tôi là tấn công chỗ có người luôn hay hơn tấn công những chỗ không người”.

2. Vốn khởi nghiệp nếu không phải là hàng triệu đô la thì ít nhất cũng phải là hàng ngàn

Không đúng. Theo Evans, một công ty với vài trăm đô la vẫn có thể đi vào hoạt động. Điều quan trọng là bạn phải biết vận dụng phương pháp marketing theo hiệu quả (performance-based marketing) để tăng lượng truy cập vào trang web của mình. Anh chia sẻ: “Chúng tôi không bỏ ra cả trăm ngàn USD để quảng cáo. Chúng tôi chỉ cần bán hàng với giá bằng với chi phí cố định. Như thế chỉ phải mất vài trăm đô la để lôi kéo người dùng. Nhưng với mỗi người dùng đó, ta lại kiếm được số tiền gấp nhiều lần– bài toán vô cùng đơn giản, ai cũng có thể tính được”.

Một ‘chiêu’ khác là sử dụng tiếp thị liên kết (affiliate marketing), theo đó bạn sẽ trả một tỷ lệ hoa hồng nào đó căn cứ vào mỗi món hàng bán được còn nếu không bán được hàng thì thôi. Evans cho biết: “Tôi có thể bán một sản phẩm chăm sóc sức khoẻ với giá 60 đô la mà chỉ phải tiêu tốn có 30 đô la”.

3. Niềm đam mê với sản phẩm

Theo Evans, bạn bán sản phẩm nào không quan trọng. “Nếu tôi biết cách tăng lượng truy cập, tôi có thể bán bất cứ thứ gì. Tôi có thể kinh doanh chăn. Chăn của tôi chỉ là loại bình thường nhưng tôi biết cách lôi kéo khách hàng vào trang web của mình, làm cho họ bấm nút mua. Với tôi, cải tiến để làm ra một cái gì mới cũng tốt nhưng điều hay hơn là làm thế nào để bán được nhiều hàng hơn đối thủ cạnh tranh”.

Thế nên không phải lúc nào Evans cũng có niềm đam mê với sản phẩm mà mình bán. Tuy nhiên, bù lại, anh luôn hết lòng với chính công việc kinh doanh của mình và theo anh, đó mới là điều quan trọng. “Lúc chuẩn bị khởi nghiệp, rất nhiều người đi theo những chuẩn mực, quy tắc đã được mặc định sẵn. Và khi vấp phải lý do nào đó cản trở họ, họ sẽ quay về với việc làm công ăn lương. Còn với tôi, mỗi dự án đều mang ý nghĩa sống còn, khi đã quyết là phải làm bằng được”. Lời khuyên của Evans: “Hãy tìm kiếm những gì khiến bạn cảm thấy có ý nghĩa sống còn với mình”.

4. Hiểu biết sâu rộng về ngành

Cái gì quá cũng thành không tốt. Evans cảnh báo: “Đây là cái bẫy mà mọi người dễ sa vào. Họ nghĩ họ phải nghiên cứu cả trăm cuốn tài liệu. Họ đọc nữa, đọc mãi, phân tích, rồi lại phân tích. Trong khi đó cái cần là hành động thì họ lại thiếu. Mà thực ra với bản năng của một con người, bạn có đủ kiến thức để có thể kinh doanh thành công.

5. Nhiều lượt người “theo dõi” trên mạng xã hội

“Tôi thích mạng xã hội” – Evans khẳng định. “Ngày nào tôi cũng phải vào Twitter và Facebook—không vào là không chịu được”. Nhưng theo Evans, nhiều người dồn quá nhiều công sức vào việc tăng truy cập từ mạng xã hội trong khi đây là cách vô cùng khó để tạo dựng mạng lưới khách hàng. “Bằng cách chi một chút tiền, bạn có thể có rất nhiều khách hàng mà không cần mạng xã hội. Mọi người cứ tập trung vào mạng xã hội nhưng vấn đề là lấy đâu ra nguồn tài chính dồi dào để nuôi một đội ngũ chuyên viết và đăng tải những bài có nội dung hấp dẫn. Trong khi đó, bạn chỉ cần chi một ít tiền để thu hút người ta truy cập vào trang của mình, lấy email của họ và thúc đẩy bán hàng. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trực tuyến, nghĩ mạng xã hội công cụ tối cao. Nó rất hay nhưng chắc chắn không phải là công cụ duy nhất”.

6. Một bộ óc vĩ đại

Nhiều người có ý định kinh doanh nghĩ rằng để thành công, họ cần biết mọi thứ và lúc nào họ cũng phải là người thông minh, giỏi giang nhất. Điều này dẫn đến kết quả là họ không muốn thuê những người sáng láng hơn mình.

Thế nhưng theo Evans, thuê được người giỏi sẽ làm công ty mạnh hơn; “Đừng thuê người chỉ để san bớt gánh nặng công việc. Hãy tìm cách học hỏi từ họ mình. Hãy đặt câu hỏi và lắng nghe”.

Và đừng bao giờ nghĩ là mình cần biết tất cả. “Rất nhiều doanh nhân, nhất là những người lần đầu đánh hơi thấy mùi tiền, nghĩ thế. Họ lúc nào cũng: ‘Ta là người giỏi nhất, không ai giỏi hơn ta!’. Nhưng đó là một lối tư duy sai lầm. Chẳng ai là người thông tuệ hết mọi thứ. Giỏi như Richard Branson, Steve Jobs cũng không phải cái gì cũng biết”.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *