Tuyệt chiêu giúp nhân viên mới ghi điểm ngay trong ngày đầu đi làm
Khi khởi sự nhận công việc mới, nhiều người quá tập trung vào nhiệm vụ, bỏ qua cơ hội tìm hiểu đồng nghiệp. Tỏ ra năng nổ là đúng nhưng cũng cần tạo quan hệ tốt với sếp và đồng
1. Tôn trọng giờ giấc:
Đừng nghĩ bạn là nhân viên mới, mọi người sẽ không chú ý đến bạn nên bạn có thể đi muộn và “chuồn” vào chỗ làm mà không ai biết. Hành động đó chính là “lời nói” với mọi người rằng bạn là nhân viên lười biếng. Ít nhất hãy đi làm đúng giờ nếu bạn không thể đi sớm vài phút.
2. Trang phục phù hợp:
Ấn tượng đầu tiên thường là ấn tượng lâu dài nhất. Vì là ngày đầu làm việc nên bạn còn chưa biết nhiều về quy tắc trang phục trong công ty nên cách tốt nhất là chọn một bộ đồ công sở truyền thống, đơn giản và trang nhã.
3. Tôn trọng phong cách làm việc của công ty mới:
Không có gì tệ hơn một nhân viên mới nhưng lại cư xử thiếu nghiêm túc, khi thì đi trễ về sớm, lúc lại ăn mặc thiếu nghiêm túc. Là người mới, bạn cần lưu ý đến lề lối giao tiếp, cư xử của những người đi trước.
Nếu có cơ hội, hãy kết bạn với một “lão làng” trong cơ quan để có dịp học hỏi những “luật bất thành văn” của công ty, chẳng hạn như cách thức ăn mặc hay thái độ cư xử. Như vậy bạn sẽ thích nghi mau chóng hơn.
4. Học cách lắng nghe:
Một trong những cách tốt nhất để ghi nhớ đó là viết vào những mẩu giấy nhỏ không chỉ những thông tin trong những cuộc họp mà cả những lời khuyên, kinh nghiệm làm việc của những đồng nghiệp đi trước khi họ chia sẻ với bạn trong giờ nghỉ.
5. Hiểu rõ công việc cần làm:
Ngay trong những ngày đầu, bạn cần tiếp xúc với lãnh đạo để bàn bạc về nhiệm vụ cũng như vị trí của bạn trong kế hoạch tổng thể của công ty. Bạn có thể đề ra những câu hỏi sau:
– Vấn đề nào cần ưu tiên giải quyết trước?
– Bao lâu tôi cần cập nhật thông tin về dự án và báo cáo dưới hình thức nào?
– Kết quả công việc của tôi sẽ được đánh giá như thế nào?
Hiểu rõ mình cần phải làm gì, bạn sẽ thực hiện công việc đúng hướng và hiệu quả.
6. Lưu ý mỗi khi phạm sai lầm:
Là người còn ít kinh nghiệm, việc bạn phạm phải sai sót trong công việc là không thể tránh. Điều quan trọng là bạn học được gì từ những sai lầm ấy. Muốn vậy, hãy lưu ý không chỉ những sai sót của bản thân mà cả của những người xung quanh bởi đó có thể là cơ hội học hỏi tuyệt vời.
Khi phạm sai lầm đừng chỉ dừng lại ở việc tìm cách khắc phục cho xong mà thay vào đó, hãy dành thời gian suy nghĩ xem vì sao mình lại mắc lỗi đó và cần làm gì để tránh lặp lại. Nếu làm được vậy bạn đã tự trang bị cho mình kỹ năng làm việc tốt hơn trong tương lai.
7. Mềm dẻo:
Hẳn bạn khó tránh khỏi lạ lẫm với lề lối thực hiện và cách điều hành công việc ở công ty mới. Tuy nhiên, trong những tháng đầu mới gia nhập, hãy cố gắng kiềm chế ý định thuyết phục mọi người phải làm theo cách của bạn cho dù phương cách đó hay ho thế nào đi nữa.
Hãy trò chuyện với các đồng nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân tại sao công ty áp dụng quy trình, thủ tục hiện có và nỗ lực học hỏi những điều đó. Bạn phải chiếm được sự tin cậy và nể nang của đồng nghiệp trước khi có ý kiến hay đề nghị cải tiến.
8. Bạn đến công ty để làm việc, không phải chỉ để kết bạn:
Bạn tốt bụng, thân thiện và muốn kết bạn với mọi người trong môi trường làm việc mới là một điều tốt. Tuy nhiên, bạn cần biết cân đối giữa công việc và quan hệ xã hội. Hãy thể hiện lòng nhiệt tình và đam mê trong sự nghiệp bạn đã theo đuổi. Hoàn thành yêu cầu công việc đúng thời hạn, như vậy, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của đồng nghiệp.
9. Hội nhập:
Khi khởi sự nhận công việc mới, nhiều người quá tập trung vào nhiệm vụ, bỏ qua cơ hội tìm hiểu đồng nghiệp. Tỏ ra năng nổ là đúng nhưng cũng cần tạo quan hệ tốt với sếp và đồng nghiệp càng sớm càng tốt. Các đồng nghiệp sẽ là đồng minh mạnh nhất của bạn trong quá trình làm việc. Họ có thể giúp bạn hoàn thành các mục tiêu quan trọng nhất.
Hãy dành thời gian tham gia các hội thảo, các hoạt động theo nhóm cũng như cùng ăn trưa với các đồng nghiệp khác để thắt chặt tình thân. Những cuộc trò chuyện đời thường cũng là dịp bạn biết thêm về lề lối sinh hoạt trong cơ quan và hiểu mình phải làm gì để thăng tiến trong công việc.
10. Tâm trạng vui vẻ và lạc quan:
Ngày đầu làm việc đôi khi có thể khiến bạn bối rối và đầy lo lắng, nhưng bạn đừng để những cảm xúc đó khiến bạn mất tinh thần. Hãy bắt đầu ngày làm việc với nụ cười và khuôn mặt vui vẻ. Thái độ tích cực của bạn sẽ làm “rạng rỡ” cho cả văn phòng và tạo sự thân thiện với mọi người.
Leave a Reply